Dữ liệu Batdongsan.com.vn chỉ ra, mức độ quan tâm tới bất động sản luôn tăng mạnh sau mỗi đợt Covid-19. Cụ thể, sau đợt dịch đợt 1, mức độ quan tâm tới thị trường tăng 306%, sau đợt 2 tăng 62% và sau đợt 3 tăng mạnh tới 378%.
Đợt dịch lần 4 kéo dài, tuy nhiên, theo hầu hết các chuyên gia trong ngành, thị trường BĐS như chiếc lò xo bị nén, khi dịch bệnh được kiểm soát, sức bật của bất động sản sẽ vô cùng mạnh mẽ. Do đó, chỉ cần một tín hiệu khả quan về việc kiểm soát dịch bệnh hay định hướng áp dụng "hộ chiếu vaccine" cũng là lúc các nhà đầu tư bất động sản dồn tổng lực vào thị trường, nhất là khi lãi suất tiền gửi đã không khiến các nhà đầu tư mặn mà trong suốt thời gian qua
Chia sẻ tại toạ đàm do Chuyên trang Nhịp Sống Kinh Tế của Báo Tổ Quốc phối hợp với Kênh thông tin tài chính CafeF tổ chức mới đây, Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho hay, thực tế cho thấy Covid-19 là một tai họa, tai họa này không chỉ bất thường mà có sức công phá rất mạnh. Nó còn kéo rất dài, đặc biệt lan rộng phạm vi toàn thế giới. Dịch bệnh Covid ảnh hưởng cực kỳ mạnh đến cả nền kinh tế, còn đối với thị trường bất động sản, một thị trường có vai trò rất lớn trong đời sống kinh tế xã hội cũng đã chịu ảnh hưởng rất nặng.
Tuy nhiên, hiện nay loài người ngày càng tự tin trong việc chiến thắng Covid-19. Trong khoảng 1 năm nữa với việc vacxin phủ sóng toàn cầu sẽ đảm bảo cho lưu thông kinh tế, các thị trường sôi động trở lại. Về mặt xu hướng tổng quát và dài hạn thị trường bất động sản sẽ tươi hồng lên.
"Kinh nghiệm từ xưa đến nay sau mỗi đợt dịch thị trường bất động sản lại trỗi dậy. Tôi nhận định tới đây thị trường bất động sản cũng sẽ phục hồi mạnh mẽ cả ở hai phía cầu và cung", chuyên gia này nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, trong đại dịch vừa qua, thị trường BĐS ghi nhận những sự ảnh hưởng nặng nề. Nguồn cung khan hiếm khi các dự án phát triển bất động sản bị dừng lại, việc phê duyệt các dự án tạo nguồn cung mới ra thị trường hạn chế bởi hoạt động chống dịch của các địa phương.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thấy rằng thị trường không vì thế đầu hàng nằm im. Một số thị trường vẫn có sự sôi động nhất định, các doanh nghiệp vẫn tìm cách tiếp cận với khách hàng, vẫn trao đổi, giới thiệu, mở bán các dự án. Đây chính là những nỗ lực rất lớn của các sàn bất động sản, các doanh nghiệp bất động sản.
Ở phía khách hàng, người mua có nhu cầu thực, mua ở có giảm một chút do tác động của dịch Covid-19. Đối với nhà đầu tư, lực cầu kinh doanh vẫn rất mạnh, rất khỏe. Đồng thời lực cầu từ các ngành nghề khác kinh doanh kém hiệu quả đang chuyển vốn sang bất động sản với hy vọng tìm kiếm cơ hội đầu tư sinh lợi, thu về lợi nhuận cao từ khai thác kinh doanh, từ việc tăng giá trị của bản thân bất động sản. Chính vì vậy, hiện thị trường bất động sản đang đón nhận nhiều dòng vốn, từ vốn ngoại, dòng Kiều Hối cho đến vốn FDI dịch chuyển mạnh vào thị trường để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
"Tôi cho rằng, lực cầu trên thị trường rất lớn, đặc biệt trong quý 4 dòng tiền sẽ dồn về các "vùng trũng" như đất nền, khu đô thị phát triển, những khu du lịch nghỉ dưỡng có tiềm năng phát triển tốt", ông Đính khẳng định.
Cũng chia sẻ góc nhìn của mình, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam nhận định, chúng tôi có những con số thống kê cho thấy nguồn cung trên thị trường đang rất khan hiếm khiến người mua không có quyền lựa chọn, dẫn đến số lượng giao dịch trên thị trường giảm mạnh. Sự khan hiếm nguồn cung cũng sẽ tác động mạnh đến sự hồi phục của thị trường sau dịch Covid-19 do nhu cầu của người mua vẫn rất lớn. Sụ phục hồi của thị trường sẽ diễn biến khác nhau ở từng phân khúc, có những phân khúc sẽ phục hồi ở mức cũ nhưng cũng có những phân khúc sẽ tăng trưởng cao hơn.
"Có một điều tôi tin chắc rằng, số lượng người quan tâm đến thị trường bất động sản rất là nhiều. Đối với, nhà đầu tư chuyên nghiệp tháng nào họ cũng phải đi thăm quan dự án, họ đi khắp nơi từ các thị trường tỉnh đến những vùng đất ven biển. Sau 2 năm cầm chân, tôi cho rằng họ rất nóng lòng tham gia thị trường", bà Dung nhấn mạnh.