Sau thời gian ảm đạm, thị trường bất động sản đã có tín hiệu tốt hơn trong hai tháng 7-8. Thị trường bất động sản ghi nhận hoạt động sôi nổi hơn khi nhiều dự án BĐS lớn tại phía Nam dã và đang được gỡ vướng.
1. Bộ Xây dựng sẽ bỏ quy định bắt buộc dành 20% đất làm nhà ở xã hội
Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, đánh giá một số tồn tại, bất cập trong việc thực hiện các chính sách phát triển nhà ở xã hội, trong đó có quy định về việc dành quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội (theo Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015) và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi nhằm khắc phục một số tồn tại, bất cập của quy định này.
Theo đó, tại Điều 80 dự thảo Luật quy định về đất để xây dựng NƠXH đã quy định theo hướng bỏ quy định yêu cầu bắt buộc chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng; bổ sung quy định việc bố trí quỹ đất phát triển NƠXH là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.
Như vậy, trong khi kỳ vọng về những thay đổi tại Nghị định 49/2021/NĐ-CP được xã hội đánh giá là có góp phần thể hạn chế được tình trạng chủ đầu tư "lách luật" để "né" việc dành quỹ đất 20% tại dự án cho phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự cho thấy hiệu quả thì có thể tới đây, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại sẽ không phải “đau đầu” về quỹ đất 20% làm NƠXH trong dự án nữa.
2. Thị trường bất động sản có tháng thứ hai liên tiếp tăng trưởng tích cực
Tại TP. HCM, tháng vừa qua, nhu cầu tìm mua tăng cao nhất đối với nhà mặt phố và biệt thự (tăng 7%). Mức độ quan tâm tới chung cư, nhà riêng và cả đất dự án TP.HCM vẫn duy trì nhịp tăng ổn định, từ 2% - 4% so với tháng 7. Đất nền là loại hình duy nhất có lượt quan tâm giảm nhẹ 1%.
Trên thị trường cho thuê, nhu cầu tìm thuê bất động sản toàn quốc trong tháng 8 tăng trung bình 9% nhưng lượt tin đăng cho thuê lại giảm 2% so với tháng liền trước. Trong đó, nhà trọ có lượng quan tâm tăng mạnh với mức tăng 38% ở Hà Nội và 32% ở TP.HCM. Đây là mùa cao điểm nhập học, tựu trường nên nhu cầu thuê trọ của sinh viên tăng cao.
Theo thông tin Bộ Xây dựng, từ quý 2, một số dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi. Trong đó, chung cư là phân khúc được lựa chọn áp đảo với 73%, 15% lựa chọn nhà thấp tầng, 10% lựa chọn đất nền và bất động sản nghỉ dưỡng chỉ chiếm 2% câu trả lời.
3. Nguồn cung BĐS "Ấm Dần" trong các tháng cuối năm
Lượng sản phẩm tung ra thị trường đa dạng hơn, đi kèm với đó là các chính sách ưu đãi mạnh tay, kích cầu từ các chủ đầu tư dự án bất động sản trong nữa cuối năm 2023.
* Nhận Diện Cơ Hội Mua Nhà
Chưa bao giờ thị trường BĐS đón nhận nhiều chính sách tháo gỡ như vừa qua. Đầu quý 3/2023, nhu cầu mua nhà đất trên cả nước được cải thiện. Sức mua tập trung nhiều vào loại hình chung cư, biệt thự và đất nền.
Trước nhiều chỉ dấu tích cực, hàng loạt chủ đầu tư lớn đã khởi động dự án trở lại. Theo các chuyên gia, những sản phẩm có pháp lý và tiến độ xây dựng đảm bảo, tại những khu vực nhiều tiềm năng về nhu cầu ở thực cũng như khai thác cho thuê sẽ là kênh trú ẩn an toàn của dòng tiền.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay liên tục hạ nhiệt, lãi suất huy động điều chỉnh về mức thấp tạo kỳ vọng dòng tiền tiết kiệm sau đáo hạn sẽ dịch chuyển về kênh đầu tư là BĐS vào cuối năm 2023, đầu năm 2024.
Các doanh nghiệp BĐS đang khá mạnh tay trong việc tung chính sách hỗ trợ người mua giai đoạn này, vừa để kích thích thanh khoản dự án, vừa để tạo lực cho thị trường ấm lên. Nếu có tiền nhàn rỗi, thời điểm này nên mua một BĐS có tầm giá vừa phải, với tầm nhìn trong vòng 2-3 năm thì cơ hội là rất hấp dẫn.
4. Nhiều động lực tăng trưởng cho bất động sản phía Nam
Tại một sự kiện gần đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết "tình hình kinh tế - xã hội vừa trải quãng thời gian đặc biệt khó khăn trong những tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội cả nước và ngành Xây dựng đã có sự chuyển biến tích cực trong những tháng gần đây. Các dự án bất động sản đã và đang được tháo gỡ sẽ góp phần đảm bảo nguồn cung, thúc đẩy thị trường trong thời gian tới."
Bộ Trưởng Xây dựng dự báo thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên trong các tháng cuối năm và có sự phát triển trở lại trong năm 2024, đồng thời sẽ kéo theo nhu cầu của thị trường vật liệu xây dựng, thị trường lao động.
Các dự án hạ tầng lớn đang triển khai cũng là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản phía Nam tăng trưởng. Chẳng hạn như:
Dự án thành phần 1 đường Vành đai 3 với có tổng chiều dài 76,34km đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, tổng vốn đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng vừa được khởi công vào tháng 6.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) lần đầu tiên chạy thử toàn tuyến vào tháng 8 vừa qua.
Vành đai 2 đoạn từ nút giao Gò Dưa đến đường Phạm Văn Đồng (TP. Thủ Đức) có chiều dài 2,7km, tổng vốn đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng sắp được khởi công trở lại.
Cũng tại phía Đông TP.HCM, một số dự án hạ tầng khác như đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chính thức thông xe ngày 12/9.
Nút giao An Phú có vốn đầu tư 3.408 ty đồng với quy mô xây dựng 3 tầng cũng đang được triển khai.
Cũng trong một báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán Vietcap cho rằng, tâm lý nhà đầu tư đối với ngành bất động sản nhà ở sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm năm 2023 do Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất điều hành nhanh hơn và mạnh hơn dự kiến từ đầu năm đến nay. Ngoài ra còn do tác động của các chính sách nhằm tháo gỡ các trở ngại pháp lý cho các chủ đầu tư.