Dòng tiền nóng chảy vào bất động sản đang được gia tăng nhờ nhiều chính sách thúc đẩy mạnh hơn, tình trạng nhỏ giọt được cải thiện. Dự báo Tín hiệu hồi phục có thể xuất hiện từ giữa năm 2024.
1. Tiền nóng vào bất động sản
Theo Sở Xây dựng TP. HCM, 9 tháng đầu năm 2023 hoạt động kinh doanh bất động sản của TP. HCM tăng trưởng âm 8,71% so với cùng kỳ. Đặc biệt, doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản 9 tháng giảm 4,7%; trước đó 6 tháng đầu năm giảm 8,3% và 4 tháng đầu năm giảm đến 14,6%.
Gói cho vay 120.000 tỉ đồng chưa ảnh hưởng đáng kể đến thị trường thực tế như một gói hỗ trợ lãi suất và các điều kiện cho vay cũng không dễ dàng. Tuy vậy, những dấu hiệu tích cực của chính sách này đã đến khi trong báo cáo thị trường bất động sản quý III mới công bố, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến ngày 31/8/2023 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 986.477 tỉ đồng.
“Tín hiệu hồi phục có thể xuất hiện từ giữa năm 2024 khi các chính sách của Chính phủ, những gói cho vay bất động sản tác động mạnh đến thị trường. Đáng chú ý, năm 2024 ngân hàng có thể khai thông nguồn vốn mạnh mẽ hơn”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, nhận định.
2. Các chủ đầu tư thi nhau "chào hàng" cuối năm
Sau khoảng thời gian dài chờ thời, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã sẵn sàng quay trở lại cuộc chơi. Càng về cuối năm, thị trường càng trở nên sôi động và tấp nập kẻ mua, người bán.
Bất động sản không còn “bất động”
Từ Bắc đến Nam, hàng loạt dự án với đủ loại hình phân khúc đang được các chủ đầu tư liên tục mở bán. Động thái này được đưa ra sau khi các doanh nghiệp mất một khoảng thời gian dài để quan sát và chờ đợi dấu hiệu phục hồi của thị trường bất động sản.
Tại khu vực TP.HCM và vùng phụ cận, nguồn cung cũng được bổ sung ồ ạt không kém. Một số dự án đã mở bán giai đoạn tiếp theo như Akari City (quận Bình Tân), Glory Heights (quận 9), Mastery Centre Point (quận 9), The Global City (TP. Thủ Đức), The Privia (quận Bình Tân)...
Đặc biệt, sau thời gian dài “im hơi, lặng tiếng”, phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang nỗ lực lấy lại vị thế trên thị trường. Nhiều chủ đầu tư đã bắt đầu chào bán các dự án “khủng”. Nhiều nhà phố, biệt thự nghỉ dưỡng có giá trên 5 tỷ đồng, sau khi trải qua một giai đoạn giảm giá sâu, đã được nhiều người mua chấp nhận xuống tiền. Với các động thái trên, nhiều người dự đoán một chu kỳ tăng trưởng mới đã bắt đầu.
3. Định danh dữ liệu đất đai để minh bạch thị trường bất động sản
Ngày 2/11, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (Bộ Công an) thông tin về việc ứng dụng Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư, nâng cao công tác quản lý, minh bạch thị trường bất động sản.
Theo đó, Bộ Công an đang chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất giải pháp bổ sung thông tin địa chỉ số quốc gia vào Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư.
Đồng thời, tích hợp tài khoản định danh điện tử cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp với hệ thống Sàn giao dịch Bất động sản Quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, ngân hàng; khai báo địa chỉ số của cá nhân, tổ chức trên VNeID.
Trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) ngày 31/10, một số đại biểu Quốc hội đã cho rằng hành vi thao túng bất động sản nguy hiểm không kém thao túng chứng khoán. Việc thao túng, thổi giá bất động sản, nhà đất dưới nhiều hình thức khác nhau xảy ra rất tinh vi, tạo thành "bong bóng" bất động sản tiềm ẩn nguy hiểm.
Trên cơ sở đó, Bộ Công an đánh giá việc triển khai xây dựng, hoàn thiện giải pháp ứng dụng Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay; nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện ứng dụng VNelD tích hợp các tiện ích quản lý xã hội... là vô cùng cấp thiết. Điều này góp phần minh bạch thị trường bất động sản.
4. Bất động sản nghỉ dưỡng: Qua sốt nóng, trị sốt lạnh
Mới đây, hội nghị Meet The Experts lần thứ 14 đã có nhiều nội dung tập trung cho ngành bất động sản nghỉ dưỡng. Tại đây, các đại diện đến từ Accor Hotels Group, Sovico Hospitality Group, Vinpearl, Booking.com, VinHMS... dù có nhiều lợi thế cạnh tranh nhưng du lịch của Việt Nam chưa phát huy đúng tiềm năng, dẫn đến sự khó khăn của thị trường du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng.
“Ngành nghỉ dưỡng cần thích ứng với những thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách du lịch sau đại dịch. Để gia tăng mức độ cạnh tranh trên bản đồ quốc tế cũng như giữ chân nguồn khách nội địa giàu tiềm năng, Việt Nam cần phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của nhiều tệp khách hàng cũng như phân khúc khách hàng khác nhau”, đại diện của Savills Việt Nam cho biết.
Điểm sáng là theo VARS, nguồn cung lẫn cầu bất động sản nghỉ dưỡng biển những tháng cuối năm được dự báo sẽ tăng trưởng, trở thành động lực tăng trưởng cho ngành nghỉ dưỡng trong năm 2024. Đây là những tín hiệu đến từ kỳ vọng các luật liên quan đến bất động sản như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản được thông qua sẽ giúp thị trường bất động sản nói chung tốt hơn. Ngoài ra, các dự án bất động nghỉ dưỡng biển cũng đón nhận nhiều tín hiệu tích cực về mặt chính sách, như Nghị định số 10 đã mở ra cơ hội cấp sổ condotel, được phép kinh doanh lưu trú, cho thuê, chuyển nhượng...
Thực tế, có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang chào bán với nhiều chính sách bán hàng hấp dẫn. Đồng thời, Một số chủ đầu tư lên kế hoạch mở bán trở lại/mở bán mới ở các khu vực Hồ Tràm, Phú Quốc, Đà Nẵng, Bình Thuận với mức ưu đãi chiết khấu hấp dẫn. Theo đó, có thể thấy thời điểm sớm nhất thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có thể hồi phục là từ quý III/2024.